Những kết quả đạt được từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của mỗi địa phương trong tỉnh.
Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. (Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang).
Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ, ngày 28/6/2022 của Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2022, các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh đã kịp thời phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội cơ sở để triển khai thực hiện Phong trào. Các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung Phong trào theo phân công nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua thiết thực, gắn với chương trình trọng tâm của ngành, cấp mình để triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Kết quả thực hiện 5 nội dung của Phong trào đã đạt được những kết quả tốt. Các nội dung: đoàn kết giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hoá, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh đã được quan tâm, chú trọng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm 4,55 %; nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như: vận động đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, công trình công cộng, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…; đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền.
Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân; việc bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” được thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm túc, đúng quy định. Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 209.940 hộ gia đình, trong đó có 206.033 hộ đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 98%); kết quả bình xét danh hiệu gia đình văn hoá năm 2022: 195.374 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá (đạt 93%); có 1.718 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu Khu dân văn hóa (đạt 99,1%); kết quả bình xét danh hiệu văn hoá năm 2022: 1.676 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá (đạt 96,7%); có 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phát triển sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Năm 2022 toàn tỉnh đã tổ chức 270 giải thể thao cấp huyện, 426 giải thể thao cấp xã, phường. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 626 câu lạc bộ thể thao người cao tuổi, trên 1.000 nhóm, đội, câu lạc bộ dân vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ và cầu lông...
Phong trào “Học tập, lao động, sáng tạo” được thực hiện gắn với phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Kết quả đã vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia trên 149 nghìn ngày công lao động, hiến trên 127.000m2 đất giải phóng mặt bằng, tham gia xây dựng 226,62 km đường giao thông nông thôn, bê tông nội đồng, cầu trên đường giao thông nông thôn, tổng trị giá đóng góp kinh phí, ngày công, đất hiến trên 63,9 tỷ đồng; trồng 35,2 km đường hoa, cây xanh, cây cảnh tại khuôn viên cơ quan và các tuyến đường; Nhân dân đóng góp xây dựng 1.871 cột điện thắp sáng với số tiền trên 1,52 tỷ đồng... có nhiều cách làm hay, sáng tạo được Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên phối hợp triển khai thực hiện như: Tổ chức Ngày hội đổ rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập; xây dựng mô hình “Vườn hoa trên không”; “Vườn hoa kiểu mẫu” bằng gạch sinh thái; mô hình “Thùng rác gia đình”…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Việc khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa tại một số các thôn, bản, tổ dân phố chưa hiệu quả; vẫn còn hộ gia đình không chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không tích cực tham gia các hoạt động của thôn, các phong trào thi đua, các buổi sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng; gia đình không hòa thuận, bất hòa với xóm giềng, xảy ra bạo lực gia đình...
Trong bối cảnh thực tiễn cuộc sống hiện nay, xuất hiện nhiều vấn đề mới, tác động đến nhận thức, hành vi con người, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”phát triển cả chiều rộng và chiều sâu với hình thức đa đạng, phong phú, thiết thực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Một số giải pháp cơ bản cần thực hiện trong thời gian tới, đã được Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh đề ra, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động và các thiết chế văn hóa về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng rộng rãi của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội tham gia thực hiện; duy trì và nâng cao chất lượng các mục, chuyên mục, chuyên đề về phong trào; chú ý công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa; tích cực phát hiện và nhân rộng các cá nhân điển hình, tiên tiến tiêu biểu trong thực hiện Phong trào.
Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đối với các xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố trong việc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên (công tác vệ sinh môi trường, công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, an ninh, trật tự an toàn xã hội,…).
Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, nhất là tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Hoàng Mai